Nội dung chính
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Missouri đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích (IBS) và đau cơ xơ hóa. Theo đó, bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có nguy cơ mắc đau cơ xơ hóa cao hơn.
Đau cơ xơ hóa do hội chứng ruột kích thích?
Nghiên cứu về tỷ lệ mắc đau cơ xơ hóa ở bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn chức năng mãn tính của đường tiêu hóa. Đó là một rối loạn tương tác giữa ruột và não, biểu hiện dưới dạng các cơn đau bụng tái phát, kèm theo thay đổi thói quen đại tiện (như tiêu chảy và táo bón) mà không có các thương tổn thực thể rõ ràng.
Các nhà nghiên cứu tại Trường Y thuộc Đại học Missouri đã phát hiện ra mối liên hệ giữa hội chứng ruột kích thích (IBS) và đau cơ xơ hóa.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Biomedicines đã tiến hành trên hơn 1,2 triệu bệnh nhân IBS nhập viện từ 4.000 bệnh viện ở Hoa Kỳ trong thời gian ba năm. Nghiên cứu này đã phát hiện ra rằng những bệnh nhân mắc hội chứng ruột kích thích có nguy cơ mắc đau cơ xơ hóa, một bệnh rối loạn đau cơ xương mãn tính cao gấp 5 lần so với những người không mắc hội chứng ruột kích thích.
Đau cơ xơ hóa và hội chứng ruột kích thích có chung các đặc điểm sau:
- Không có tổn thương thực thể.
- Thường xảy ở phụ nữ.
- Các triệu chứng phần lớn liên quan đến căng thẳng.
Đau cơ xơ hóa là gì?
Đau cơ xơ hoá là tình trạng đau mạn tính, phổ biến ở phụ nữ tuổi trung niên. Người bệnh thường phải chịu những cơn đau cơ dữ dội gây mất ngủ và giảm sút chất lượng cuộc sống, công việc.
Người bị đau cơ xơ hóa thường có các dấu hiệu:
- Tồn tại điểm kích hoạt đau: Điểm kích hoạt cơn đau là điểm mà khi nhấn vào sẽ cảm thấy rất đau nhức. Các điểm đó thường gồm: khuỷu tay, sau đầu, đầu gối, vai, hông.
- Đau triền miên không dứt ở các cơ: Điều này khiến người bệnh thường xuyên cảm thấy khó chịu khắp cơ thể, bị căng thẳng và thiếu ngủ.
- Mất ngủ hoặc hội chứng chân không yên: Bệnh nhân đau cơ xơ hóa rất dễ bị hội chứng không yên, chứng ngưng thở khi ngủ,… làm cho giấc ngủ bị gián đoạn.
- Đau nửa đầu: Người bị đau cơ xơ hóa thường bị đau nửa đầu với tính chất đau nhói.
- Đau hàm: Nhiều người đau cơ xơ hóa bị đau ở khu vực quai hàm, đây còn gọi là hội chứng khớp thái dương hàm.
- Hội chứng não sương mù: Đôi khi bệnh nhân đau cơ xơ hóa cũng sẽ gặp phải dấu hiệu của hội chứng não sương mù như khó ghi nhớ, khó tập trung, lú lẫn,… Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này được cho là thiếu hụt oxy hoặc cơn đau cơ xơ hóa tác động lên não và dây thần kinh.
Người bệnh bị đau ở nhiều điểm trên cơ thể dù không có thương tổn thực thể
Điều trị đau cơ xơ hóa và hội chứng ruột kích thích
Bệnh nhân bị đau cơ xơ hoá và hội chứng ruột kích thích có thể được chỉ định các thuốc sau:
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng, ví dụ amitriptylin.
- Các chất ức chế tái hấp thu serotonin-norepinephrine (SNRI), như duloxetine (Cymbalta).
- Thuốc chống động kinh, chẳng hạn như gabapentin (Neurontin) và pregabalin (Lyrica).
Bệnh nhân cũng có thể được đề xuất các liệu pháp không dùng thuốc, chẳng hạn như:
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT).
- Tập thể dục thường xuyên.
- Giảm stress.
Vì đau cơ xơ hóa và hội chứng ruột kích thích có các đặc điểm lâm sàng giống nhau và sự chồng chéo của các triệu chứng, các nhà nghiên cứu y tế đang tìm kiếm mối liên hệ có thể thúc đẩy việc điều trị một hoặc cả hai tình trạng.
Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu rõ hơn về mối liên hệ giữa đau cơ xơ hóa và hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn bị đau cơ xơ hóa, hội chứng ruột kích thích hoặc cả hai, hãy nói chuyện với bác sĩ về các triệu chứng bạn đang gặp phải và xem xét các lựa chọn điều trị của bạn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Các loại rau tốt cho người bệnh viêm loét đại tràng
- Chế độ ăn FODMAP thấp cho bệnh nhân hội chứng ruột kích thích