Nội dung chính
Hiện nay, cùng với sự phát triển của nền y học, có rất nhiều phương pháp giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đại tràng. Một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng là siêu âm đại tràng. Vậy siêu âm đại tràng là gì? Những đối tượng nào nên siêu âm đại tràng? Cụ thể những thông tin này sẽ được chia sẻ trong bài viết sau đây.
Siêu âm đại tràng là gì?
Siêu âm đại tràng là gì?
Siêu âm đại tràng là phương pháp sử dụng kỹ thuật để thu lại những hình ảnh bên trong cơ thể người bệnh, được sử dụng phổ biến trong y khoa nhằm phục vụ mục đích chẩn đoán bệnh. Trong quá trình siêu âm, bác sĩ dùng đầu dò để quét lên bề mặt da vùng bụng, sóng siêu âm sẽ phát đến các cơ quan trong ổ bụng và phản hồi về đầu dò. Đầu dò tiếp nhận tín hiệu và truyền thông tin tới bộ phận xử lý và truyền thông tin tới bộ phận xử lý. Bộ phận này sẽ tái tạo lại cấu trúc ở bên trong cơ thể bằng những hình ảnh được hiển thị trên màn hình.
Có hai loại đầu dò với hai loại tần số khác nhau, được sử dụng thay phiên để giúp bác sĩ có góc nhìn toàn diện nhất về đại tràng là:
- Đầu dò tần số thấp (3,5-5 MHz): Loại này giúp bác sĩ có cái nhìn toàn cảnh về ổ bụng như vị trí, hình dạng, độ dày và tính đối xứng của độ dày thành ruột.
- Đầu dò tần số cao (5-17 MHz): Loại đầu dò này có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về 5 lớp thành đại tràng và các mô xung quanh. Cũng giống như chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ MRI, siêu âm đại tràng ở tần số này cũng có thể cho thấy các dòng chuyển động bên ngoài cũng như bên trong đại tràng và những thay đổi ở thành ruột như hạt polyp, khối u, nhu động, mạch máu mạc treo và các hạch bạch huyết.
Siêu âm đại tràng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn, an toàn. Đây là một trong những công cụ quan trọng giúp bác sĩ có cái nhìn sâu hơn về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và đưa ra những quyết định điều trị mang tính chính xác và hiệu quả. Phương pháp này phổ biến và thường được đưa vào sử dụng tại nhiều bệnh viện, các cơ sở y tế.
Ai cần được chỉ định siêu âm đại tràng?
Bệnh nhân có thể được chỉ định siêu âm đại tràng trong các trường hợp sau:
- Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy: Táo bón hoặc tiêu chảy có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó có các vấn đề về đại tràng. Để xác định được các triệu chứng này có phải do đại tràng hay không thì bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm đại tràng cho bệnh nhân.
Người bị táo bón, tiêu chảy thường xuyên có thể được chỉ định siêu âm đại tràng
- Đi ngoài lẫn máu: Phân có lẫn máu có thể do nhiều nguyên nhân như trĩ, nứt kẽ hậu môn, viêm loét đại tràng hoặc những vấn đề nguy hiểm như khối u đại tràng, polyp đại tràng. Do đó, nếu thấy mình có triệu chứng này thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt.
- Co thắt dạ dày: Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định siêu âm đại tràng nếu bệnh nhân bị co thắt dạ dày. Nguyên nhân do nếu đại tràng có khối u, khối u va chạm vào dạ dày và các nội quan lân cận khác khi co bóp tiêu hoá thức ăn sẽ gây ra những cơn đau bất thường. Bệnh nhân có những cơn đau âm ỉ, dữ dội kéo dài và quặn đau lên theo từng đợt rồi hết mà không rõ nguyên nhân.
- Những người cao tuổi: Người cao tuổi nên siêu âm đại tràng định kỳ bởi dễ mắc phải các bệnh lý như viêm đại tràng, polyp đại tràng, ung thư đại trực tràng,… Việc siêu âm, kiểm tra định kỳ sẽ giúp bệnh nhân tầm soát sớm các bệnh lý, ngăn biến chứng gây thủng đại tràng,…
- Những người hút thuốc lá: Những đối tượng này có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn những người không hút. Do đó, nhóm đối tượng này nên đi khám và siêu âm đại tràng định kỳ.
- Ngoài ra, siêu âm đại tràng còn được chỉ định cho những người cần nội soi hoặc phải chụp X-Quang đại tràng mà sức khỏe tổng thể yếu, không đảm bảo để tiến hành nội soi hoặc những người sợ bị biến chứng phơi nhiễm bức xạ tia X khi phải chụp X-Quang nhiều lần.
Quy trình siêu âm đại tràng
Quy trình
Quy trình siêu âm đại tràng thường diễn ra nhanh chóng theo các bước sau:
- Bước 1: Bác sĩ siêu âm thoa một lớp gel bôi trơn lên vùng bụng của bệnh nhân. Lớp gel này sẽ giúp ngăn ngừa sự hình thành các bóng khí giữa da và đầu dò siêu âm, từ đó cải thiện hiệu suất hình ảnh.
- Bước 2: Bác sĩ di chuyển đầu dò trên vùng da bụng của bệnh nhân để thu thập dữ liệu.
- Bước 3: Sau khi siêu âm, bác sĩ sẽ lau sạch gel trên bụng của bệnh nhân và người bệnh sẽ hoạt động bình thường sau khi siêu âm đại tràng.
Bác sĩ di chuyển đầu dò trên da bụng của bệnh nhân để thu thập dữ liệu
Lưu ý khi siêu âm đại tràng
Để quá trình chẩn đoán bệnh được chính xác nhất thì người bệnh nên lưu ý:
- Trước khi siêu âm 3 – 4 ngày, người bệnh chỉ nên ăn nhẹ, ăn đồ dễ tiêu hoá, ít chất xơ, uống nhiều nước nhưng tránh uống các loại nước có phẩm màu, các loại nước ngọt có gas.
- Trước khi chuẩn bị siêu âm 2 tiếng, người bệnh không ăn uống bất kỳ thứ gì.
- Một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả siêu âm, như bị béo phì nghiêm trọng, khí tích tụ trong ruột do sự phân giải thực phẩm từ hệ vi sinh vật đường ruột,…
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu được siêu âm đại tràng là gì, kỹ thuật siêu âm đại tràng như thế nào cũng như quy trình thực hiện siêu âm đại tràng. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Tổng hợp những nhóm thuốc tây chữa viêm đại tràng co thắt
- Cách dùng tinh bột nghệ chữa hội chứng ruột kích thích