Nội dung chính
Người bị ung thư đại tràng thường có tiên lượng tốt nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, các triệu chứng như rối loạn đại tiện, đau bụng, đi ngoài ra máu… lại dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Theo đó, người bệnh thường chủ quan, thăm khám và phát hiện muộn, khiến tỷ lệ sống bị giảm thấp. Vì vậy, nếu bạn là đối tượng dễ mắc bệnh này, bạn nên chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa ung thư đại tràng ngay từ đầu.
Đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng là gì?
Ung thư đại tràng đang ngày càng phổ biến
Nói về các bệnh lý ác tính thường gặp, ung thư đại tràng đứng hàng thứ 4 đối với cả nam và nữ với khoảng 1 triệu người mắc mỗi năm. Đặc biệt, căn bệnh này đứng hàng thứ 3 trong các nguyên nhân gây tử vong vì ung thư (khoảng 630.000 người tử vong mỗi năm).
Ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 100.000 đến 150.000 trường hợp được phát hiện và 50.000 đến 70.000 người tử vong vì bệnh ung thư. Trong đó, ung thư đại tràng là bệnh thường gặp đứng hàng thứ ba.
Ung thư đại tràng là tình trạng các tế bào bị loạn sản, tăng sinh bất thường, hình thành khối u ác tính. Nó có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của đại tràng như đại tràng sigma, đại tràng xuống, đại tràng ngang, đại tràng lên và manh tràng.
Bệnh phát triển với 4 giai đoạn chính bao gồm:
- Giai đoạn I: Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, gọi là ung thư biểu mô tại chỗ. Lúc này, khối u vẫn chỉ giới hạn trong đại tràng.
- Giai đoạn II: Các tế bào ung thư bắt đầu lan ra và xâm lấn tới các khu vực khác trong đại tràng nhưng chưa di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.
- Giai đoạn III: Các tế bào ung thư bắt đầu lan đến các hạch bạch huyết lân cận.
- Giai đoạn IV: Đây là ung thư đại tràng giai đoạn cuối, các tế bào ung thư di căn tới các cơ quan khác của cơ thể.
Người bệnh càng phát hiện ung thư đại tràng muộn, tiên lượng sống càng giảm. Vì vậy, nếu bạn là đối tượng nguy cơ mắc căn bệnh này, bạn không nên chủ quan mà cần chủ động phòng ngừa sớm.
Ung thư đại tràng nếu phát hiện muộn thì khả năng điều trị ít hiệu quả
Đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, ung thư đại tràng tiến triển chậm và di căn muộn hơn. Vì vậy, bệnh có tiên lượng tốt hơn so với các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm.
Ung thư đại tràng thường gặp ở nam và nữ giới trên 45-50 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ngày càng trẻ hóa. Theo Tiến sĩ Khanh, ngoài yếu tố tuổi tác và gen di truyền, những người bị viêm ruột, polyp đại tràng, hút thuốc… thuộc nhóm nguy cơ cao mắc ung thư đại tràng.
Người bệnh viêm ruột, polyp đại tràng
Những trường hợp có polyp đại tràng, nhất là polyp có kích thước lớn hơn 1cm hoặc mắc bệnh viêm ruột (viêm loét đại tràng mạn tính, bệnh Crohn…) mà không được điều trị cẩn thận, bệnh sẽ tiến triển thành ung thư đại tràng.
Theo tiến sĩ Khanh, hầu hết polyp đại tràng là lành tính, không có nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, trường hợp polyp u tuyến, polyp nhung mao, polyp có kích thước lớn vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao tiến triển ác tính sau nhiều năm.
Với các bệnh lý viêm ruột, tình trạng viêm tái đi tái lại nhiều lần sẽ làm tế bào bị loạn sản, tăng sinh quá mức và hình thành khối u.
Người hút thuốc lá thường xuyên
Người hút thuốc lá trong thời gian dài có nguy cơ cao ung thư đại tràng. Các nhà khoa học tại đại học Na Uy, Mỹ thực hiện nghiên cứu trên 188.000 người, độ tuổi 45-75 (45% nam giới), trong gần 17 năm. Kết quả nghiên cứu được đăng trên thư viện Y khoa Mỹ cho thấy, nam giới hút thuốc có nguy cơ ung thư đại tràng trái cao hơn 39%. Còn nữ giới có nguy cơ mắc ung thư đại tràng phải cao hơn 20% so với người cùng giới không hút thuốc.
Người hút thuốc là dễ bị ung thư đại tràng
Khói thuốc lá còn gây rối loạn hệ vi sinh đường ruột, tạo điều kiện cho hại khuẩn phát triển. Theo đó, các triệu chứng rối loạn tiêu hóa, rối loạn đại tiện càng tồi tệ hơn.
Người có lối sống ít vận động
Lối sống ít vận động ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến thừa cân, béo phì, hạn chế lưu thông máu, mất cân bằng nội tiết tố. Người lười hoạt động thể chất cũng tăng nguy cơ viêm mạn tính và ung thư đường tiêu hóa, trong đó có ung thư đại tràng.
Nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ và một số đơn vị khác vào năm 2016, trên 1,44 triệu người trưởng thành. Kết quả cho thấy, mức độ hoạt động thể chất cao giảm 16% nguy cơ ung thư đại tràng và 13% nguy cơ ung thư trực tràng so với lười vận động.
Người uống rượu bia
Tiến sĩ Khanh cho biết, người uống rượu bia từ trung bình đến nhiều, tăng nguy cơ ung thư đại tràng 1,2-1,5 lần. Rượu bia gây ung thư theo nhiều cơ chế khác nhau, chẳng hạn như:
- Uống rượu dẫn đến tăng chất oxy hóa trong tế bào.
- Khi vào cơ thể, ethanol có trong bia rượu được chuyển hóa thành acetaldehyde, làm tổn thương tế bào, hỏng chuỗi DNA, gây ung thư đại tràng.
Lạm dùng rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng
Người có chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Người ăn quá nhiều thịt đỏ, đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, nhiều đường, ít ăn rau quả… không chỉ dễ mắc các bệnh lý chuyển hóa mà còn có nguy cơ bị ung thư đại tràng.
Theo tiến sĩ Khanh, ăn ít rau quả, chất xơ là nguyên nhân của 19% số ca ung thư đại tràng. Nếu ăn đủ và đa dạng rau quả, bạn có thể giảm 20% nguy cơ ung thư.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, mỗi ngày, người trưởng thành nên tiêu thụ ít nhất 400g rau quả để phòng bệnh tim mạch, ung thư dạ dày và đại tràng.
Có thể thấy đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng tương đối đa dạng. Nếu bạn đang là một trong những đối tượng đó, bạn hãy áp dụng biện pháp phòng ngừa căn bệnh này bằng cách xây dựng chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tránh xa thuốc lá, rượu bia, thăm khám đại tràng định kỳ nhất là từ độ tuổi 45 trở lên. Chúc các bạn sức khỏe!
XEM THÊM:
- Đột phá mới: Tìm ra cách bật- tắt protein ngăn chặn ung thư đại tràng
- Nguy cơ đau khớp ở bệnh nhân viêm loét đại tràng