Nội dung chính
Bệnh đại tràng ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 30 trở lên. Trong một số trường hợp, bệnh lý lành tính đại tràng không được chẩn đoán và điều trị sớm có nguy cơ chuyển thành ác tính. Lúc này, phẫu thuật cắt đại tràng có thể cần thiết để ngăn ngừa nguy cơ này. Trong bài viết này, mời bệnh nhân đọc cùng tìm hiểu thêm về phẫu thuật cắt đại tràng.
Khi nào cần phải phẫu thuật cắt đại tràng?
Cắt đại tràng là gì?
Cắt đại tràng là một phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ đại tràng, với mục tiêu là loại bỏ những đoạn đại tràng bị bệnh. Sau khi cắt các phần đại tràng bị bệnh thì bác sĩ sẽ nối các phần còn lại với nhau.
Tùy vào vị trí và tính chất của tổn thương đại tràng, bác sĩ sẽ quyết định cắt bỏ phần nào của đại tràng hay cắt bỏ toàn bộ. Trong trường hợp cắt đại tràng để điều trị ung thư, ngoài việc cắt phần đại tràng có u, bác sĩ còn cần nạo hạch di căn và cắt thêm cơ quan di căn nếu có thể.
Có hai phương pháp phẫu thuật cắt đại tràng:
- Phẫu thuật mổ mở: Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống. Bác sĩ sẽ dùng dao phẫu thuật rạch một đường dài trên bụng người bệnh để tiếp cận đại tràng. Sau đó, bác sĩ dùng dụng cụ phẫu thuật để giải phóng đại tràng ra các mô xung quanh và cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng.
- Phẫu thuật nội soi: Đây là kỹ thuật hiện đại, ít xâm lấn, vết mổ nhỏ nhanh liền, nhanh hồi phục ít tổn thương các cơ quan lân cận đặc biệt bệnh nhân ít đau, chức năng đại tràng phục hồi nhanh đem lại hiệu quả cao cho người bệnh. Bác sĩ sẽ rạch vài đường nhỏ từ 0,5-1,2cm trên bụng bệnh nhân để đưa những dụng cụ dài và nhỏ vào ổ bụng. Thông qua màn hình được kết nối với camera gắn vào đầu dụng cụ, bác sĩ sẽ xác định các vùng đại tràng bị tổn thương cần cắt bỏ. Sau khi cắt xong, bác sĩ có thể sẽ rạch một đường ngắn ở bụng đủ để lấy bệnh phẩm ra ngoài.
Cắt đại tràng bằng phương pháp mổ mở và nội soi.
Khi nào bệnh nhân cần thực hiện cắt đại tràng?
Trong một số trường hợp sau, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật đại tràng:
- Chảy máu không kiểm soát được: Bệnh nhân bị chảy máu đại tràng không kiểm soát được có thể được chỉ định cắt bỏ đại tràng.
- Tắc ruột: Tắc ruột là một trong những bệnh lý cần được cấp cứu khẩn trương để giảm thiểu rủi ro cho người bệnh. Bệnh nhân cần được thực hiện cắt đại tràng sớm để hạn chế rủi ro.
- Viêm loét đại tràng: Nếu biện pháp điều trị nội khoa không giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh, bác sĩ có thể sẽ đề nghị cắt bỏ toàn bộ đại tràng để phòng ngừa phát triển thành ác tính.
- Bệnh Crohn: Được chỉ định khi bệnh nhân điều trị thuốc không có tác dụng.
- Ung thư đại tràng: Trong trường hợp bệnh nhân bị ung thư ở những giai đoạn sớm, bác sĩ có thể chỉ cắt bỏ một phần nhỏ của đại tràng. Ở giai đoạn muộn hơn, bệnh nhân có thể phải cắt bỏ phần lớn đại tràng.
- Phẫu thuật phòng ngừa ung thư: Được chỉ định nếu bệnh nhân có ung thư đại tràng cao, ví dụ như bị nhiều polyp đại tràng tiền ung thư, bị bệnh đa polyp tuyến hoặc hội chứng Lynch,…
Quy trình phẫu thuật cắt đại tràng
Trước khi cắt đại tràng
Trước khi cắt đại tràng, bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Ăn uống theo chỉ định của bác sĩ: Như chỉ được ăn một số loại thức ăn nhất định và tránh các loại thức ăn có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phẫu thuật. Trong vòng 12 giờ trước khi phẫu thuật, bệnh nhân chỉ được uống nước lọc và nhịn ăn. Trước khi phẫu thuật 2 giờ, bệnh nhân phải nhịn uống nước hoàn toàn.
- Người bệnh cần được khám tiền mê trước khi phẫu thuật vài ngày để đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe cho ca mổ. Các xét nghiệm đó là xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, đo huyết áp, nhịp tim,…
- Vào đêm trước ngày mổ và sáng ngày mổ, bệnh nhân cần tắm dung dịch sát trùng Chlorhexidine 4%.
- Ngừng dùng một số loại thuốc nhất định: Một số loại thuốc có khả năng làm tăng nguy cơ biến chứng sau phẫu thuật, ví dụ thuốc chống đông làm tăng biến chứng chảy máu. Do đó, trước khi phẫu thuật thì bệnh nhân có thể được yêu cầu ngưng dùng các loại thuốc này.
- Sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt tháo để làm sạch ruột.
- Uống thuốc kháng sinh: Đại tràng chứa vi trùng và các chất thải có thể gây nhiễm trùng nếu chúng xâm nhập vào ổ bụng trong quá trình phẫu thuật. Do đó bệnh nhân cần phải uống kháng sinh theo đơn của bác sĩ trước đó vài ngày để giảm nguy cơ.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp khẩn cấp như thủng ruột hoặc tắc ruột thì bệnh nhân sẽ phải phẫu thuật ngay mà không có thời gian chuẩn bị.
Quy trình cắt đại tràng
Quy trình cắt đại tràng được tiến hành theo các bước sau:
- Khi vào phòng mổ, bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân.
- Quy trình cắt đại tràng sẽ khác nhau tùy theo phương pháp phẫu thuật là phẫu thuật mổ mở hay nội soi. Loại phẫu thuật phụ thuộc vào tình trạng của bệnh nhân và chuyên môn của bác sĩ phẫu thuật.
- Sau khi vùng đại tràng bị bệnh đã được loại bỏ, bác sĩ sẽ tiến hành nối lại hệ thống tiêu hóa để cơ thể đào thải chất cặn bã. Các lựa chọn nối lại hệ tiêu hóa là: Nối các phần còn lại của đại tràng, nối ruột với một lỗ mở trên bụng, nối ruột non và hậu môn. Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà bệnh nhân sẽ được chọn cách nối phù hợp.
Sau khi phẫu thuật cắt đại tràng
Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa đến một phòng hồi sức để được theo dõi khi thuốc gây mê hết. Sau đó, nhân viên y tế sẽ đưa bệnh nhân đến phòng bệnh để tiếp tục phục hồi. Người bệnh cần được chăm sóc điều dưỡng tại bệnh viện để chờ phục hồi, thời gian tầm từ 5 – 7 ngày.
Sau khi về nhà, người bệnh tiếp tục uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong vòng 2 tuần, người bệnh có thể hoạt động trở lại nhưng cần vận động nhẹ nhàng. Tránh nâng vật nặng trong khoảng 6 tuần.
Người bệnh cần ăn ít chất xơ để giảm khối lượng phân, tần suất đi cầu và kéo dài thời gian tiêu hóa thức ăn. Việc này sẽ giúp tránh những chấn thương không cần thiết trong thời gian tái kết nối chữa lành vết thương đường ruột.
Trên đây là những thông tin cần biết về phẫu thuật cắt đại tràng. Bệnh nhân bị các bệnh đại tràng như viêm loét đại tràng nên kiểm soát tốt bệnh, tránh để bệnh tiến triển nặng cần phẫu thuật. Để biết cách kiểm soát tốt bệnh viêm loét đại tràng, mời bạn gọi đến tổng đài 1800.1044 để được tư vấn. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
XEM THÊM:
- Phương pháp chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
- Tổng hợp các nguyên nhân gây hội chứng ruột kích thích